Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023

Đăng: 15:20 03-07-2018  |   Tác giả:   |   Nguồn: Công đoàn Tổng công ty


CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023
 

Đại hội Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (sau đây gọi tắt là Đại hội) đã diễn ra thành công tốt đẹp từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 3 năm 2018 với tinh thần "Đoàn kết, hành động, đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả"; vì việc làm, đời sống, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đại hội đã thể hiện quyết tâm của tổ chức Công đoàn, đoàn viên và người lao động Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tế cuộc sống, tạo ra được sự chuyển biến cụ thể trong phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn các cấp và đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động, Công đoàn Tổng công ty xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đến các cấp công đoàn và đông đảo cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên trong toàn Tổng công ty; vận dụng sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn Tổng công ty và đơn vị; qua đó, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng, thi đua sôi nổi trong cán bộ, đoàn viên, người lao động quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

2. Nội dung hoạt động của các cấp công đoàn Tổng công ty cần bám sát mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội; đồng thời, cụ thể hóa việc thực hiện các chức năng chính của tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng đội ngũ người lao động ngành Hàng hải ngày càng có trình độ chuyên môn cao, có ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

3. Phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn Tổng công ty phải tập trung hướng về cơ sở và người lao động; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; vì sự ổn định và phát triển bền vững của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và của đất nước.

4. Việc tổ chức triển khai các nội dung hoạt động thực hiện Nghị quyết Đại hội cần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động; gắn với thực hiện nhiệm vụ SXKD, phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn của đơn vị; phát huy sự chủ động, sáng tạo của đoàn viên, người lao động, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, thực hiện quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

- Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên, người lao động.

- Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm.

- Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động.

- Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, của đoàn viên và người lao động trong việc ổn định, phát triển bền vững doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đất nước.

III. CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội

1.1. Nhóm chỉ tiêu thuộc công đoàn phối hợp tham gia thực hiện:

- 100% người lao động mới tuyển dụng được ký hợp đồng lao động.

- Đảm bảo việc làm cho người lao động; thu nhập tăng bình quân từ 5% đến 10% trở lên/năm.

- 100% CNVCLĐ được tham gia Bảo hiểm xã hội.

- 80% trở lên các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động hằng năm.

1.2. Nhóm chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức công đoàn:

- 100% CNVCLĐ có hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên được gia nhập tổ chức Công đoàn.

- 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn.

- Hằng năm có từ 80% trở lên tổ chức Công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn Công đoàn cơ sở vững mạnh"; từ 15% trở lên tổ chức Công đoàn cơ sở đạt Công đoàn cơ sở khá. Không có Công đoàn cơ sở yếu kém.

- 100% công đoàn các cấp tổ chức kiểm tra đồng cấp hằng năm.

- Đảm bảo thu kinh phí công đoàn và đoàn phí đạt 100% so với kế hoạch.

2. Thực hiện các chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty

- Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể.

- Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn.

- Tham gia đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, CNVCLĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trọng tâm là phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ, phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động".

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn Tổng công ty tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đến đông đảo cán bộ, CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên theo hướng thiết thực, hiệu quả; trên cơ sở nắm vững nội dung của Nghị quyết và Chương trình hành động gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức, tính chất lao động của từng đơn vị, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện.

- Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân lao động cả về số lượng và chất lượng; nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho đoàn viên và người lao động để luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, của Tổng công ty và của đất nước.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả, thiết thực việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

2. Đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động

- Đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chế độ chính sách, nội quy, quy chế liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Nâng cao năng lực đội ngũ, chuyên nghiệp hóa cán bộ công đoàn làm công tác tham mưu về chế độ chính sách, pháp luật.

- Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Đảm bảo quy trình thương lượng, trong đó chú trọng các vấn đề mang tính cốt lõi về quyền và trách nhiệm của các bên như: Tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và những vấn đề cơ bản về phúc lợi, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, thực hiện tốt chủ trương "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động".

- Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc; chú trọng quy trình, lực lượng và hình thức đối thoại đột xuất liên quan đến những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động. Đưa nội dung đào tạo chuyên sâu về kỹ năng đối thoại tại nơi làm việc cho cán bộ công đoàn, đoàn viên tham gia đối thoại vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức Công đoàn.

- Sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Chú trọng tham gia giải quyết từ đầu các vướng mắc, bức xúc từ cơ sở; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, ý thức đại diện của tổ chức Công đoàn.

- Tăng cường công tác thông tin, đối thoại. Làm tốt công tác điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ chính sách, pháp luật.

- Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật công đoàn. Tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật trực tuyến để tập hợp, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

- Đẩy mạnh Chương trình Phúc lợi đoàn viên công đoàn. Vận động người sử dụng lao động thực hiện tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; chia sẻ khó khăn; thực hiện các phúc lợi cho người lao động như tham quan, du lịch, chăm sóc sức khỏe…

- Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động; duy trì thường xuyên phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động". Tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, nội quy, quy định của đơn vị. Tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

- Quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, các hoạt động tương thân tương ái, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo giúp đỡ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng…

3. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động

- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát hợp với từng nhóm đối tượng đoàn viên, người lao động, trọng tâm là nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, có việc làm bền vững, gắn kết chặt chẽ với tổ chức Công đoàn.

- Tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với yêu cầu công việc trong tình hình mới và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thành các tiêu chí phấn đấu cụ thể; có tổng kết, đánh giá và khen thưởng kịp thời cho những người thực hiện tốt, góp phần xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, có nhân cách, đạo đức; có trí tuệ, sức khỏe; có năng lực, kỹ năng sáng tạo; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật.

- Triển khai có hiệu quả Tháng Công nhân hằng năm gắn với kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 theo hướng phát triển các hoạt động tại doanh nghiệp, vừa chăm lo tốt hơn quyền lợi của người lao động, vừa thúc đẩy sự tiến bộ của người lao động để khẳng định vai trò tích cực của người lao động trong xây dựng, phát triển đơn vị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của người sử dụng lao động.

- Chú trọng thực hiện công tác dư luận xã hội để thường xuyên, kịp thời và chuẩn xác trong nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động trực tiếp.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống truyền thông công đoàn trên internet để chủ động thông tin từ Tổng Liên đoàn xuống tới các cấp công đoàn, từ công đoàn đến với đoàn viên, người lao động và ngược lại. Có cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin, trong đó tập trung phân loại thông tin, phân cấp tiếp nhận và xử lý. Sử dụng có hiệu quả những ứng dụng tích cực của internet, mạng xã hội để truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ với đoàn viên, người lao động.

4. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

- Đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động; lấy việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở để thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

- Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

- Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước khó khăn, thách thức. Xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn.

- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động công đoàn Tổng công ty theo mô hình ngành nghề, phù hợp với mô hình hoạt động sau cổ phần hóa của Tổng công ty và các doanh nghiệp. Nghiên cứu các giải pháp nhằm phát huy vai trò của Công đoàn Tổng công ty trong tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp đối với Công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn, yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời điểm của cơ sở.

5. Phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của doanh nghiệp và Tổng công ty

- Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trọng tâm là phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo"; phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", phong trào "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" góp phần trực tiếp thúc đẩy sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp, Tổng công ty và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

- Lượng hóa các tiêu chí thi đua cho từng đối tượng đoàn viên, người lao động, lấy kết quả thi đua làm cơ sở đề xuất khen thưởng tương xứng. Thực hiện tốt công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng kịp thời, khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chú trọng xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đoàn viên, CNVCLĐ. Thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo minh bạch, chính xác, kịp thời.

6. Công tác vận động nữ CNVCLĐ

- Các cấp công đoàn chủ động nghiên cứu, nắm bắt đặc điểm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đội ngũ lao động nữ để tham gia với cấp ủy, chuyên môn bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với trình độ, năng lực, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của chị em.

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ cho lao động nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, phát huy được thế mạnh của phụ nữ.

- Tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quyền của lao động nữ; nghiên cứu tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề của lao động nữ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác cán bộ nữ.

- Tăng cường các hoạt động xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Thực hiện tốt các hoạt động khuyến khích con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi.

- Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng. Chú trọng phát huy vai trò tham mưu của Ban Nữ công cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn cơ sở trong triển khai thực hiện công tác nữ công.

7. Công tác khác

7.1. Công tác tài chính

- Xây dựng các giải pháp tích cực bảo vệ và chống thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, Tổng Liên đoàn về trích nộp, phân phối, thu chi tài chính công đoàn.

- Sử dụng tài chính công đoàn cho nhiệm vụ trọng tâm là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động; chi phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

- Đảm bảo chi tài chính công đoàn đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm. Triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn.

7.2. Công tác kiểm tra, giám sát

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI về "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban Kiểm tra công đoàn", bám sát các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Nghị quyết.

- Kịp thời kiện toàn tổ chức, nhân sự Ủy ban Kiểm tra; nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn.

- Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản của Ủy ban Kiểm tra công đoàn. Phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của công đoàn. Nâng cao hiệu quả quản lý thu chi tài chính, tài sản công đoàn nhằm thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

7.3. Công tác đối ngoại

- Duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác với các công đoàn cùng ngành nghề trong khu vực và trên thế giới phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia, vì lợi ích đoàn viên và sự phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

- Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại để tìm kiếm khả năng hợp tác, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tay nghề cho người lao động, góp phần phát triển nguồn nhân lực Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

- Phối hợp với Công đoàn Thủy thủ Nhật Bản (JSU) để tiếp tục duy trì Dự án Nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam (VSUP).

8. Công tác chỉ đạo

- Đổi mới nhận thức về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công đoàn. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập; phát huy tốt hơn vai trò của Ban Chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên và người lao động.

- Chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ cho Công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động. Có cơ chế để Công đoàn cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm, phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức, tính chất lao động của đơn vị.

- Cụ thể hóa phương hướng của nhiệm kỳ thành chương trình công tác hằng năm; có lộ trình và giải pháp tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ nhằm đảm bảo tính liên tục và hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, những bất cập trong sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động để kiến nghị giải quyết kịp thời.

- Đơn giản hóa, chuyên nghiệp hóa, giảm thủ tục hành chính; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý tài chính, quản lý đoàn viên; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị, hội thảo.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

- Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội tới tất cả các Công đoàn cơ sở trực thuộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các Công đoàn cơ sở.

- Các Ban, Văn phòng Công đoàn Tổng công ty căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình công tác, kế hoạch thực hiện hằng năm; tham mưu giúp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động quy định trong chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Giao Ban Tuyên giáo - Nữ công là bộ phận thường trực chủ trì phối hợp với các Ban, Văn phòng giúp Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty triển khai; đôn đốc sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động của Công đoàn Tổng công ty; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty.

2. Các Công đoàn cơ sở trực thuộc

- Căn cứ Chương trình hành động của Công đoàn Tổng công ty, các Công đoàn cơ sở trực thuộc chủ động nghiên cứu, xây dựng Chương trình hành động ở cấp mình và Kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện đến đoàn viên, người lao động hoặc cụ thể hóa thành nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm sao cho phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Công đoàn Tổng công ty (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công).

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị, các Công đoàn cơ sở phản ánh về Công đoàn Tổng công ty (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công) để kịp thời giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Tổng LĐLĐVN (để b/c);
- Đảng ủy Tcty (để b/c);
- Chủ tịch HĐTV, Q.TGĐ Tcty (để b/c),
- Chủ tịch, các PCT CĐ Tcty (để chỉ đạo th/hiện);
- UV BCH, UBKT CĐ Tcty (để t/chức th/hiện);
- Các Ban, VP Công đoàn Tcty (để ph/hợp th/hiện);
- Các CĐCS trực thuộc (để th/hiện);
- Lưu: VTLT, Ban TG-NC, DL77.
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
 
Đã ký
 
Lê Phan Linh